Các lợi thế của lao động Việt Nam khi làm việc tại Nhật Bản
By thutra Tin tức
Nhận định của bà Yamada Rei – điều phối viên dự án và cán bộ phát triển quan hệ đối tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) – cho thấy cái nhìn tích cực về người lao động Việt Nam.
Tại Hội thảo “Phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Báo Lao Động tổ chức vào ngày 9/8, phóng viên đã có dịp trao đổi nhanh với bà Yamada Rei. Theo bà, hiện tại, bà và các đồng nghiệp đang triển khai Dự án Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự án được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Bà Yamada Rei – điều phối viên dự án/cán bộ phát triển quan hệ đối tác Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ảnh: Tạ Quang
Bà cho biết:
“Dự án của chúng tôi dự kiến kéo dài trong vòng 5 năm và thuộc dạng dự án hỗ trợ kỹ thuật. Chúng tôi hướng đến việc tạo ra một môi trường làm việc an toàn, giúp NLĐ Việt Nam yên tâm khi làm việc ở nước ngoài. Từ đó, dựa trên những kiến thức và kỹ năng được tích lũy, họ sẽ có cơ hội quay trở về và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.”
Ảnh: Đỗ Chí Anh
Dự án được xây dựng với ba mục tiêu chính:
- Xây dựng hệ thống mới cung cấp thông tin việc làm cho người lao động Việt.
- Thúc đẩy hoạt động của các cơ quan và công ty phái cử.
- Hỗ trợ người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng làm việc ở nước ngoài và trở về nước.
Qua quá trình làm việc và tiếp xúc với NLĐ Việt Nam, bà Yamada nhận định rằng:
“Người lao động Việt có nhiều đặc điểm và kỹ năng tương đồng với người Nhật. Họ luôn kính trọng người lớn tuổi, làm việc chăm chỉ và có thế mạnh trong các công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chi tiết. Tôi tin rằng, với những lợi thế này, người Việt sẽ dễ dàng hội nhập và phát triển khi làm việc tại Nhật Bản, từ đó về quê khởi nghiệp và cải thiện đời sống của bản thân cũng như gia đình.”
Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản theo các chương trình như thực tập sinh kỹ năng, lao động đặc định; đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang Nhật theo khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (EPA); cũng như làm việc với vai trò kỹ thuật viên, phiên dịch viên.
Đáng chú ý, Việt Nam đứng đầu trong số 15 quốc gia phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Trong năm qua, con số lao động Việt Nam sang Nhật đã đạt mốc cao nhất từ trước đến nay, lên tới 85.000 người.
Nguồn: Phong Linh – Báo Lao Động